Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Ông đánh giá thế nào về vai trò của ngành nông, lâm, thủy sản đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh?
Cũng như những địa phương Vùng duyên hải miền Trung khác, Quảng Nam có biển, có rừng và nền tảng là tỉnh nông nghiệp. Chính vì vậy, ngoài lợi thế về phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, Quảng Nam hội đủ điều kiện để phát triển lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững.
Nông, lâm, ngư nghiệp đóng vai trò chiến lược đối với kinh tế địa phương. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung gần đây rằng, nông, lâm, thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn giúp các địa phương miền Trung, trong đó có Quảng Nam bứt phá.
Để nông, lâm, thủy sản phát triển đúng hướng và mang lại giá trị kinh tế cao thì Quảng Nam cần tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
Với vai trò quan trọng của lĩnh vực này, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng định hướng mang tính chiến lược, nhằm phát triển ngành một cách bền vững thông qua việc tạo chuỗi kết nối giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp, cụ thể:
Thứ nhất, doanh nghiệp liên kết với người dân thông qua các hợp tác xã lâm nghiệp để trồng rừng gỗ lớn, tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, thay cho trồng gỗ nhỏ khai thác ngắn hạn.
Thứ hai, doanh nghiệp liên kết với người dân trồng và chế biến dược liệu, hình thành ngành công nghiệp sử dụng dược liệu thiên nhiên (thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...).
Thứ ba, triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên toàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn - miền núi; xây dựng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ truyền thống tại 9 huyện miền núi theo chương trình hỗ trợ của tổ chức FIDR và JICA.
Thứ tư, đối với khu vực đồng bằng, hợp tác xã nông nghiệp tích cực tích tụ, tập trung đất đai, dồn điền, dồn thửa, liên kết với doanh nghiệp đầu tư trồng các vùng rau, củ, quả, lúa, ngô, đậu an toàn… Đặc biệt, khuyến khích ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển nông sản theo hướng công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thứ năm, vùng ven sông Thu Bồn - Vu Gia tổ chức trồng dâu gắn với công nghiệp chế biến tơ lụa và khai thác du lịch làng quê.
Thứ sáu, sắp xếp lại nuôi tôm vùng Đông theo hướng doanh nghiệp thuê đất của dân để đầu tư thành các khu nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường. Dân sẽ thuê lại diện tích phù hợp để nuôi theo quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp.
Thứ bảy, xây dựng cảng cá và khu hậu cần thủy hải sản loại I, đảm bảo thu mua nguyên liệu đánh bắt của ngư dân miền Trung và xây dựng các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Thứ tám, chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, an toàn sinh học với quy mô khác nhau theo từng địa bàn cụ thể.
Tỉnh sẽ cụ thể hóa nhóm chiến lược này thế nào?
Trước tiên, tỉnh sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ. Tập trung xúc tiến, triển khai các nhóm dự án nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng.
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về tích tụ đất đai, tổ chức lại sản xuất thông qua các hình thức hợp tác, liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ ở khu vực nông thôn, miền núi.
Thực hiện công tác di dời, sắp xếp lại dân cư khu vực nông thôn, miền núi phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tín dụng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư...