Thảo nguyên chè xanh giữa núi rừngMclose
Nông trường chè Quyết Thắng được thành lập ngày 12/3/1973, với tên ban đầu là Ban sản xuất Quảng Đà. Với nhiệm vụ chính là sản xuất và phục vụ chiến đấu. Đến năm 1975, đổi tên thành Nông trường quốc doanh Quyết Thắng.
Trà xanh Quyết Thắng chế biến từ những ngọn chè xanh được trồng tại Nông trường Quyết Thắng, ở xã Ba (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).
Lúc đầu, nông trường chủ yếu khai phá đất hoang, trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả như: dứa, cam, mía,… kết hợp chăn nuôi. Từ năm 1977, nông trường chuyển sang trồng cây chè thử nghiệm và thấy hiệu quả và dần thay đổi các loại cây trồng khác. Hiện nay, đơn vị có tên chính thức là Công ty CP Nông Lâm nghiệp Quyết Thắng Quảng Nam.
Những giống chè mới được Công ty Cổ phần Nông Lâm nghiệp Quyết Thắng mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm.
Ông Nguyễn Đại Trường - Phó Giám đốc Công ty CP Nông Lâm nghiệp Quyết Thắng cho biết: “Những cải tiến trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè cũng được áp dụng rộng rãi. Những giống chè mới được công ty mạnh dạn đưa vào thử nghiệm, sử dụng máy móc để giải phóng dần sức lao động của công nhân, đầu tư cho nhà xưởng chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, bao bì để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng…”.
Diện tích chè của nông trường Quyết Thắng hiện là 216ha.
Theo ông Trường, những năm gần đây, để góp phần quảng bá thương hiệu chè, trà Quyết Thắng, đơn vị đã phối hợp với ngành du lịch, lữ hành, tạo một điểm dừng chân của du khách tại nông trường trong những tour tham quan, khám phá thiên nhiên tại thảo nguyên rộng lớn tại miền Tây xứ Quảng.
Nâng tầm thành sản phẩm OCOP
Đến nay, tổng diện tích đất sản xuất do đơn vị quản lý 292ha, trong đó diện tích trồng chè 216ha và cây cao su 74ha… Từ những ngọn chè non, qua nhiều công đoạn chế biến rất công phu để làm thương hiệu trà Quyết Thắng say đắm lòng người.
Để có một loại trà xanh thơm ngon, đầu tiên là thu hái, phải chọn những búp chè tươi, non (búp 1 tôm 2 - 3 lá) để đưa vào chế biến. Sau đó, đến công đoạn làm héo; chè được mang đi diệt men ở chế độ nhiệt 280 – 300 độ C trong lò tôn quay; Chè sau khi diệt men được vò nhẹ ngay (vò nóng) trong thời gian 2 - 3 phút các búp chè sẽ được tạo hình, làm xoăn. Tiếp đến, chè được mang đi sấy và quay để tạo hình, làm khô chè. Bước cuối cùng là tiến hành phân loại chè, căn cứ vào tỷ lệ bồm càng vụn nát có trong chè phân thành 4 loại trà xanh là: trà búp, trà bồm, trà dón và trà cám...
Để có một loại trà xanh thơm ngon, phải chọn những búp chè tươi, non (búp 1 tôm 2 - 3 lá) để đưa vào chế biến.
“Đơn vị đã giao khoán đồi chè đến từng hộ công nhân, đổi mới công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm đi đôi với nâng cao chất lượng, đăng ký thương hiệu, mở rộng thị trường. Nhờ đó, doanh thu bình quân đạt 7 tỷ đồng/năm và hiện nay đơn vị giải quyết việc làm cho gần 150 lao động, với thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng”, Phó Giám đốc Trường thông tin.
Trà xanh Quyết Thắng hiện tiêu thụ tại nhiều nơi như Lâm Đồng, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam,... Ngoài ra, đơn vị còn cung cấp sản phẩm cho Công ty Chế biến Trà Trân Nam Việt Lâm Đồng để xuất khẩu.
Trà xanh Quyết Thắng được Quảng Nam chọn xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng.
Sản phẩm trà xanh Quyết Thắng đã bắt đầu tìm được chỗ đứng ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, với lợi thế cạnh tranh về giá cả, chất lượng, các đơn đặt hàng đã bắt đầu ổn định.
“Đặc biệt, trà xanh Quyết Thắng hiện nay đã được huyện Đông Giang chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng trong năm 2019. Đây là cơ hội tốt để trà xanh Quyết Thắng được đầu tư, phát triển mạnh và trở thành trở thành sản phẩm đặc trưng của xứ Quảng”, ông Trường chia sẻ thêm.