Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Thaco Mazda (tỉnh Quảng Nam) của Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải. Ảnh: PHONG VŨ
Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tiếp tục phát triển, tạo được liên kết giữa các nhóm ngành nghề trong quá trình sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch lao động thuần nông sang lao động ngành nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hiện, tỉnh đang tập trung thu hút, mở rộng một số nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Trong đó, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp mũi nhọn, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, tạo giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ tiên tiến sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu.
Tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; kiên quyết không đánh đổi môi trường để tăng trưởng công nghiệp.
* Trà Vinh tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
Sáu tháng đầu năm 2019, kinh tế của tỉnh Trà Vinh tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản ước đạt hơn 11.500 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp tăng 34,5%; tổng thu ngân sách đạt hơn 82% dự toán, tăng hơn 43%.
Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương dồn sức đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là tổ chức lại hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phù hợp năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các cây, con chủ lực và những cây, con có thế mạnh về thích ứng biến đổi khí hậu và phòng, chống dịch bệnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã gắn với chương trình xây dựng mỗi xã có sản phẩm đạt chuẩn. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp các địa phương thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhất là dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng trên gia súc.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng công nghệ cao, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; động viên các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở từng công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.